66 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2021): Nơi hội tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
- Thứ sáu - 10/09/2021 10:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
66 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2021): Nơi hội tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành nên hệ thống chính trị Việt Nam, trong suốt những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy tác dụng to lớn của mình trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng các cấp, các ngành tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng chung sức, đồng lòng tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19.
Là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành nên hệ thống chính trị Việt Nam, trong suốt những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy tác dụng to lớn của mình trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng các cấp, các ngành tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng chung sức, đồng lòng tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19.
* Đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiền thân là Hội Phản đế đồng minh, thành lập ngày 18/11/1930. Hội đã tuyên truyền vận động nhân dân dấy lên cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình tổ chức và xây dựng một mặt trận dân tộc thống nhất.
Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), Đảng đã lần lượt thành lập các mặt trận nhằm đáp ứng cho nhu cầu cách mạng. Trong giai đoạn đấu tranh đòi dân chủ 1936-1939 lần lượt các mặt trận ra đời, đó là Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (sau đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế. Bước sang giai đoạn đấu tranh chuẩn bị giành chính quyền là sự thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh - gọi tắt là Mặt trận Việt Minh (19/5/1941). Nhờ chính sách Mặt trận đúng đắn, phong trào lan rộng, cơ sở Mặt trận phát triển rộng rãi, khi thời cơ đến, Việt Minh đã ra lệnh Tổng khởi nghĩa và thành công giành chính quyền về tay nhân dân.
Trong giai đoạn chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) được thành lập. Thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) thông qua Tuyên ngôn, Chính Cương của mặt trận, nhằm “Tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ…”. Qua 9 năm kháng chiến, Mặt trận Liên Việt trở thành “một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến, kiến quốc…”.
Sau năm 1954, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phá hoại Hiệp định Genève chiếm đóng miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta. Cách mạng Việt Nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà. Trong bối cảnh đó, ngày 10/9/1955 Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh, nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Tiếp đó, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, với mục tiêu đấu tranh “Phải hoà bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hoà bình! Thống nhất tổ quốc!” nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ.
Ngày 20/4/1968, trên cơ sở thắng lợi và khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam ra đời, nhằm đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị, mở rộng thêm lực lượng trên mặt trận chống Mỹ và các thế lực tay sai.
Đất nước hoàn toàn thống nhất, thể theo nguyện vọng của nhân dân, các lãnh đạo của 3 tổ chức gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, đã họp từ ngày 31/1 đến 4/2/1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thống nhất 3 tổ chức này thành một tổ chức chính trị duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, với từng giai đoạn lịch sử cụ thể Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn làm tròn vai trò của mình, góp phần động viên, khích lệ và dẫn dắt nhân dân ta đấu tranh trong công cuộc giành độc lập cho dân tộc. Trong bối cảnh hiện tại, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn là chỗ dựa vững chắc để đất nước tiến lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập với xu thế phát triển của thế giới.
* Góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước
Cùng cả nước bước vào công cuộc đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực vận động nhân dân phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Qua đó, tạo nên sức mạnh to lớn, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, triển khai, như: phong trào xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa; Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; xây dựng và sửa chữa Nhà Đại đoàn kết; Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ủng hộ, giúp đỡ nhân dân các vùng thiên tai lũ lụt... đã được nhân dân tích cực hưởng ứng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, hai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" (phát động từ năm 1995, từ năm 2015 đổi tên là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”) và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” (phát động từ năm 2000) do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, đã được nhân rộng ra cả nước, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội to lớn, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của nhiều hộ gia đình và người dân.
Bên cạnh đó, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” là một trong những cuộc vận động lớn trong thời kỳ đổi mới công tác Mặt trận, có đóng góp to lớn và trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước nói chung và có tác dụng rõ rệt vào việc nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới. Từ khi phát động đến nay, Quỹ "Vì người nghèo" từ cấp địa phương đến trung ương đã thu được hàng nghìn tỷ đồng; xây dựng mới và sửa chữa hàng trăm nghìn nhà đại đoàn kết... đem lại niềm vui cho hàng triệu người nghèo và tiếp tục khẳng định tính xã hội nhân văn sâu sắc của cuộc vận động, làm phong phú, sâu sắc thêm truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc.
Cùng với đó, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng nhận được sự quan tâm vào cuộc của đông đảo các tầng lớp nhân dân, từng bước hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong các cộng đồng dân cư. Nhận thức của bộ phận lớn người tiêu dùng, các doanh nghiệp, các cơ quan về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm và ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam, mở rộng thị trường nội địa, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam được nâng lên…
Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”, hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được tăng cường và đổi mới, góp phần hiện thực hóa chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác cùng phát triển của Đảng và Nhà nước, tạo thuận lợi cho quá trình đổi mới toàn diện đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
* Gắn kết cộng đồng cùng phòng, chống đại dịch
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng các cấp, các ngành tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng chung sức, đồng lòng tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực phòng, chống đại dịch, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, huy động được các nguồn lực lớn trong thời gian ngắn để thực hiện các biện pháp chống dịch một cách mạnh mẽ, hiệu quả.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực ủng hộ các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, nhân dân địa phương vùng dịch và tham gia ủng hộ Quỹ Vaccine phòng COVID-19 hàng nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở số tiền và hàng tiếp nhận, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ, chia sẻ với đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là chăm lo hỗ trợ những đối tượng yếu thế bị tác động bởi ảnh hưởng của đại dịch với nhiều cách làm thiết thực, sáng tạo.
Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị-xã hội đã thành lập các đoàn kiểm tra việc giám sát và tiến hành kiểm tra tại nhiều tỉnh, thành phố; cử đại diện tham gia các đoàn kiểm tra của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại một số địa phương. Ở địa phương, công tác giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở, Ban Công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân trong rà soát, đối chiếu đến từng đối tượng được hỗ trợ. Qua rà soát, giám sát trên phạm vi cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời nắm bắt được thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, hoặc chưa phù hợp... để kịp thời phản ánh và đề xuất giải pháp với Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền để giải quyết, xử lý và điều chỉnh văn bản hướng dẫn.
Đặc biệt, ngày 25/8/2021, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thành lập Tiểu ban Vận động và huy động nguồn lực xã hội do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng tiểu ban. Trên cơ sở đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy tối đa vai trò của mình, tập hợp, huy động mọi nguồn lực xã hội ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động các doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng với chương trình "Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19 ", để có thêm nhiều hơn nữa những tấm lòng giúp đỡ những người lao động, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Có thể nói, phòng, chống đại dịch COVID-19 đồng thời với phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân phát huy mọi tiềm năng, sức mạnh, sáng kiến, sáng tạo nhằm giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch.
Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động; phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng tới mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Theo TTXVN